Chân dung sales IT

Ngày đăng 05/12/2021

Có thể bạn nghĩ đây là câu chuyện của riêng tôi, nhưng không, có thể nó sẽ ảnh hưởng đến bạn đấy, nhất là những người có định hướng kinh doanh như là một nghề mà mình theo đuổi và chỉ còn thiếu một lý do.

Tại sao tôi chọn kinh doanh?

Gần bốn năm theo học đại học ngành kỹ thuật, vì sao tôi chọn nghề kinh doanh, một quyết định không hề dễ dàng để bắt đầu lại con đường mới, và bám trụ đến lúc này. Dù đã có những lúc rất khó khăn và bây giờ vẫn chưa có gì trong tay, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nó, vì tôi nghĩ kinh doanh chính là cái nghề phản ánh chân thật nhất cuộc sống của chúng ta, thể hiện được nhiều nhất các góc cạnh của cuộc sống so với các nghề khác.

Thực ra làm nghề nào cũng là đang kinh doanh, bạn bán chính bản thân bạn, bán tài năng, sức khỏe, thời gian hoặc nhan sắc của mình. Miễn là lao động chân chính, nghề nào cũng đáng quý. Nhưng nếu được, tôi khuyên bạn hãy bán một cái gì đó, theo nghĩa đen. Vì sao?

  • Kinh doanh cho bạn cơ hội tiếp xúc với nhiều người, ở nhiều tầng lớp khác nhau, thậm chí cho bạn cơ hội tiếp cận những người mà nếu làm nghề khác bạn có nằm mơ cũng không nghĩ mình có thể gặp được họ. Người đó có thể là đức cao vọng trọng, người đó có thể là người nổi tiếng trong giới showbiz, có thể là thần tượng của bạn, có thể là một tài năng mà bạn nể phục…. có thể là bất kỳ ai đó. Vì kiểu gì họ cũng là con người, cũng cần tiêu dùng những thứ như mọi người khác, và bạn có thể sẽ là đối tác cung cấp những thứ ấy. Trong vai trò là đối tác, vị trí của bạn rất khác!
  • Kinh doanh khiến bạn gặp đủ mọi khó khăn trên đời, điều đó là rất cần thiết, thực sự rất cần thiết để bạn trưởng thành! Giúp bạn làm được những thứ mà trước đây bạn nghĩ bạn không làm được. Vì khi đã hứa hẹn với khách hàng, dù có gặp khó khăn cỡ nào bạn cũng phải đối mặt, không ai thay mặt bạn cả, kinh doanh luôn là người đứng mũi chịu sào để khách hàng trút giận, chuyện khác tính sau!
  • Kinh doanh giúp bạn phát triển rất nhiều kỹ năng, và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Bạn phải học cách giao tiếp với đối tác, với khách hàng, với nội bộ từ nhiều bộ phận: kỹ thuật, mua hàng, kế toán, quản trị, hành chính,… ôi vô vàn. Và họ là những người rất khác nhau từ tính cách đến kỹ năng, từ chức vụ đến tầm ảnh hưởng… Điều này rất quan trọng vì kiểu gì bạn cũng chỉ là 1 thực thể trong xã hội, bạn cần phải giao tiếp, bạn không thể sống một mình. Khi kỹ năng giao tiếp tốt dần, bạn được mọi người yêu mến, giúp đỡ, bạn sống hạnh phúc hơn, làm được nhiều việc hơn dù ở môi trường nào.

Vậy, bản thân một người kinh doanh cần những yếu tố gì để thành công?

Thực ra có rất nhiều anh chị trong công ty đã rất thành công trong công việc kinh doanh và có thể tổng hợp được những thông tin đa chiều và chính xác hơn tôi rất nhiều, nhưng có thể vì họ bận bịu quá và cũng chưa có ai hỏi, hoặc họ chia sẻ ở một kênh khác mà tôi và bạn chưa có cơ hội lắng nghe. Tuy nhiên, với những trải nghiệm ít ỏi của bản thân, tôi xin chia sẻ lại từ góc nhìn chủ quan của mình về những yếu tố mà một người kinh doanh cần có để thành công. Thật khó để nêu đầy đủ và chính xác tuyệt đối, và chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều, nhưng cá nhân tôi cho rằng những yếu tố sau đây là rất quan trọng.

  1. Tính chính trực - cam kết: đây là một trong 5 giá trị cốt lõi của HPT mà tôi hết sức tâm đắc. Nhưng giá trị cốt lõi của HPT thể hiện ở góc độ một doanh nghiệp, còn tôi chia sẻ ở đây từ góc độ một người kinh doanh (tạm gọi là doanh nhân). Bản thân người kinh doanh cần phải thể hiện hình ảnh của một doanh nhân “đáng tin cậy, luôn giữ vững uy tín của mình thông qua những cam kết lâu dài với khách hàng, đối tác và bạn bè” (trích dẫn từ website www.hpt.vn). Có thể hiểu theo tình huống đơn giản, gần gũi hơn: không khoa trương nói quá khả năng của mình, quảng cáo quá tính năng sản phẩm; hứa cái gì thì làm cái đó, nếu biết làm không được thì đừng hứa; không vì lợi ích trước mắt mà thấy sai vẫn làm ngơ không đề cập để khách hàng biết.
  2. Sự chân thành: chân thành với khách hàng, đối tác, đồng nghiệp,… Tất nhiên cần phân biệt giữa chân thành và ngây ngô.
  3. Sự chịu khó: bước vào kinh doanh, bạn sẽ luôn gặp khó khăn, chắc chắn là vậy. Bắt đầu kinh doanh thì gặp khó khăn để nắm bắt sản phẩm, thị trường; bán hàng phổ thông thì có nhiều đối thủ cạnh tranh, bán hàng đặc thù thì cần phải đầu tư ban đầu lớn... rất nhiều thứ. Bạn cần phải chịu khó tìm hiểu, thử, sai và cải tiến. Đặc biệt là các bạn lúc mới vào nghề, hay có cảm giác chán nản, sản phẩm đơn giản, giá trị nhỏ mà cũng không bán được. Đừng vội chán nản, kinh doanh là bài toán của những con số, ví dụ: Bạn hẹn 50 khách hàng (X), chỉ có 20 người chịu gặp, trong số 20 người chịu gặp, chỉ có 8 người có tín hiệu quan tâm, trong số 8 người quan tâm thì chỉ có 3 người quyết định mua hàng, trong số 3 người quyết định mua hàng thì chỉ có 1 người quyết định chọn bạn thay vì nhà cung cấp khác. Đừng lo, ngoài kia còn nhiều khách hàng lắm, hãy gia tăng số X. Sự chịu khó này một phần được đề cập trong giá trị “Tận tụy với khách hàng” của HPT.
  4. Sự khác biệt: có thể là kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khác biệt khiến khách hàng ít có sự lựa chọn, đối thủ muốn tham gia vào thị trường cũng cần có thời gian, công sức và chi phí đầu tư; nếu sản phẩm bình thường thì có cách marketing khác biệt tạo sự thích thú cho khách hàng; nếu cả sản phẩm và cách marketing đều bình thường thì hãy có dịch vụ bán hàng thật khác biệt mang lại sự thỏa mãn cho khách hàng… Bằng cách nào đó, hãy làm mình trở nên “khác biệt tích cực” so với những người bán hàng còn lại (khác biệt phải tạo ra giá trị cho khách hàng và tránh sự phản cảm).

Các yếu tố còn lại cũng khá quan trọng nhưng là thứ yếu.

Tôi phân loại những yếu tố quyết định việc thành công trong kinh doanh thành 2 nhóm tạm gọi là phần nhânvỏ cho gần gũi.

Nếu để ý, bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy 04 yếu tố mà tôi chia sẻ ở trên có đến 03 yếu tố là phần nhân, nó liên quan đến “bản chất” của mỗi con người, đây là những thứ “sẵn có” ở mỗi người và rất khó thay đổi (theo kiểu Giang sơn dễ đổi bản tánh khó dời).

Những yếu tố khác mà các bạn vẫn thường hay nghe như là: kinh nghiệm trong ngành, kiến thức về sản phẩm; hay là các kỹ năng: giao tiếp, thuyết trình, thiết lập cuộc hẹn, tiếp cận khách hàng, xử lý từ chối, chốt deal… nếu nhẹ nhàng thì người ta gọi là “kỹ năng”, còn đao to búa lớn một chút người ta dùng từ “phong cách” hoặc là “nghệ thuật”… Những thứ này là vỏ, nếu đã có cái vỏ tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng thành công trong nghề, nhưng nó không quyết định bạn có tồn tại lâu dài hay không, phần nhân mới là phần quyết định.

“Sự khác biệt” có thể là sự giao thoa giữa nhânvỏ, bản thân tôi chưa biết ghép nó vào đâu, có thể là cái “duyên kinh doanh”, tự bản thân họ có sự nổi bật, khác biệt với mọi người: kinh doanh sản phẩm khác biệt; hoặc sản phẩm thông thường nhưng cách giới thiệu sản phẩm khác biệt; hoặc sản phẩm bình thường, cách giới thiệu cũng bình thường nhưng phong cách phục vụ khác biệt khiến khách hàng hài lòng… Họ có “sự nhạy cảm” nhất định về thị trường. Điều này có thể là “sự nhạy cảm” bẩm sinh hoặc từ quá trình học tập, trải nghiệm trong kinh doanh mà hình thành.

Những điều tôi viết trên đây là từ góc nhìn chủ quan của bản thân, tôi chia sẻ lai với hy vọng ít nhất cũng giúp được phần nào cho các bạn kinh doanh mới, chứ không có hàm ý là tôi đã làm được tất cả. Nếu trong vai trò một nhân viên kinh doanh còn non kinh nghiệm so với tuổi nghề của hàng loạt anh chị kinh doanh kỳ cựu tại HPT, bạn sẽ có thể tự nhận thấy mình còn nhiều khuyết điểm cần phải hoàn thiện từng ngày và hy vọng nhận được sự truyền đạt, hướng dẫn từ tất cả các anh chị, từ nhiều vị trí, nhiều góc độ chứ không riêng gì kinh doanh.